QUY TẮC ỨNG XỬ VĂN HÓA TRONG NHÀ TRƯỜNG

Lượt xem:

Đọc bài viết

 QUY TẮC ỨNG XỬ VĂN HÓA TRONG NHÀ TRƯỜNG

Từ xưa đến nay, việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh luôn được các nhà giáo dục quan tâm, thực hiện. Đó là một trong những điều kiện tiên quyết để đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân tốt có đức độ, tài năng nhằm phục vụ đất nước trong tương lai

Thực tế cho thấy không có cá nhân nào có thể tồn tại nếu tách rời khỏi các mối quan hệ xã hội. Có nhiều yếu tố để tạo dựng sự gắn kết đó nhưng thiết thực nhất vẫn là hành vi ứng xử hằng ngày giữa các cá nhân với nhau. Người xưa thường dạy con cháu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở” chính là rất coi trọng vấn đề này.Nó không chỉ tạo dựng mối quan hệ với người xung quanh mà còn thể hiện tư cách phẩm chất của cá nhân. Đối với lứa tuổi học sinh, các em phải làm gì khi giao tiếp với người chung quanh để xứng đáng là con ngoan, trò giỏi và trở thành một công dân văn minh, lịch sự, có văn hóa sau này.

Xuất phát từ mục đích ý nghĩa đó, qua thực tế công tác, chúng tôi trình bày một vài suy nghĩ về việc xây dựng các mối quan hệ thân thiện trong nhà trường ở bậc THCS.

Vấn đề đó sẽ được trình bày trong nội dung của đề tài: “ Quy tắc ứng xử văn hóa trong  trường THCS Hoàng Văn Thụ”.

I.Trong nhà trường :

Trường học là nơi rèn đức, rèn tài của người học sinh. Trong môi trường này, mỗi học sinh phải lưu ý rõ về bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ với thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ khác.

  1. Với thầy cô, nhân viên:

Chào hỏi lễ phép khi gặp mặt. Không lẫn tránh hoặc tỏ thái độ dửng dưng

Khi giao tiếp luôn giữ lễ, không vì quá gần gủi mà có những cử chỉ, lời nói vượt quá mối quan hệ thầy trò.

Luôn vâng lời dạy bảo, tuân theo sự hướng dẫn của thầy cô và nhân viên.

Khi lầm lỗi, được thầy cô chỉ bảo, hãy thành khẩn nhận lỗi và sửa chữa, điều chỉnh hành vi của mình, không vì thế mà đặt điều nói xấu sau lưng thầy cô.

Trường hợp bị oan, đến gặp thầy cô lễ phép giải bày không nên về báo phụ huynh đến đôi co làm mất đi mối quan hệ tốt đẹp giữa gia đình và nhà trường.

Khi thầy cô vào hay rời lớp, hãy đứng dậy trong tư thế nghiêm trang để chào. Cử chỉ miễn cưỡng đứng chào được xem là vô lễ.

  1. Với quan khách đến liên hệ với trường:

Khách đến trường bao gồm các vị lãnh đạo trong ngành, trong chính quyền, đơn vị, đoàn thể, tổ chức có liên quan, các bậc phụ huynh hoặc nhân dân đến liên hệ công việc. Khi khách đến cần thể hiện sự tôn trọng, kính mếm. Cụ thể :

Lễ phép chào hỏi khi gặp mặt. Chỉ dẫn nơi khách cần liên hệ với thái độ niềm nở, trân trọng.

Không nhìn soi mói hoặc bàn tán, cợt nhã.

Không đến gần phương tiện đi lại của khách để ngắm nghía, sờ soạng.

Khi khách vào thăm lớp hay liên hệ với thầy cô, hãy đứng dậy nghiêm trang chào. Hành động đó cũng đựơc thực hiện khi khách rời lớp.

Trong khi thầy cô trao đổi với khách ở ngoài lớp, hãy ngồi im lặng trong lớp chờ thầy cô vào. Việc gây ôn ào sẽ khiến khách đánh giá thấp về lớp và trường của mình.

  1. Với các anh chị lớp trên, bạn bè và các em lớp dưới :

+ Với anh chị lớp trên :

Cần thể hiện sự tôn trọng, xem như là anh chị trong gia đình, không được ỷ thân ỷ thế hỗn láo.

Khi có chuyện bất bình, hãy đến trình bày với giám thị, thầy cố giải quyết, không tự ý gọi bạn bè, anh chị đến gây sự làm ảnh hưởng nền nếp của nhà trường.

+ Với bạn bè cùng trang lứa và các em lớp dưới :

Luôn ôn hoà, nhã nhặn, đoàn kết tương thân tương trợ khi có bất hoà hãy dùng lời nói để giải quyết, không dùng hành vi bạo lực khiến sự việc càng thêm mâu thuẫn.

Cùng nhau chia sẻ, giải quyết những trở ngại trong cuộc sống, trong học tập.

Tránh sự đố kị, đặt điều nói xấu nhau, chia bè kéo cánh, lập băng nhóm gây hiềm khích trong tập thể.

  1. Những hành động và lời nói thông dụng trong ứng xử:
  2. Bắt tay – chào hỏi:

Với người trên hàng:

– Cúi đầu chào kết hợp với lời nói lễ phép: Thưa (.) tuỳ theo mối quan hệ và giới tính để xưng hô cho phù hợp. Nếu dùng từ “Chào” thì sau từ xưng hô phải có từ “ạ”

– Trường hợp bắt tay, phải để người trên hàng đưa tay trước. Khi bắt phải nắm tay chặt để thể hiện sự thân mật. Không nên chặt quá gây cảm giác đau cho người khác hoặc buông lỏng mang tính chiếu lệ tạo cảm tưởng hờ hững.

Với nguời ngang hàng, dưới hàng:

– Có thể dùng lời thân thiện: Chào (bạn – em) hoặc mỉm cười, đưa tay chào, hoặc dùng những câu nói xã giao “ Bạn đi đâu đó, đang làm gì vậy, có khoẻ không”.

– Có thể dùng cử chỉ vỗ vai nhẹ nhàng hoặc bắt tay để tạo sự thân mật. Trường hợp bắt tay với nữ giới hãy chờ họ đưa tay trước và tránh những lời nói suồng sã.

  1. Nói lời xin lỗi và nhận lời xin lỗi:

Trường hợp xin lỗĩ:

– Khi làm người khác khó chịu hoặc thiệt hại về vật chất hay tinh thần dù là nhỏ nhất, hãy mạnh dạn nói lời xin lỗi với thái độ hối tiếc.

– Khi xin lỗi đừng cho đó là việc tự hạ mình, ngược lại hành động đó khiến cho   người được xin lỗi không chỉ dễ chịu mà còn đánh giá mình là người có văn hóa.

Nhận lời xin lỗi:

– Khi được người khác xin lỗi hãy vui vẻ trả lời: “không sao” hoặc “không có gì”. Nếu đối tượng có vai vế lớn hơn hãy thêm từ “ạ!”

– Tránh im lặng ra dấu cho qua hoặc quay người bỏ đi.Làm thế không giải toả được sự hối tiếc của người đã xin lỗi, có khi gây ra hiềm khích.

  1. Yêu cầu được giúp đỡ và lời cảm ơn khi được giúp đỡ:

Yêu cầu được giúp đỡ:

– Hãy nói với một thái độ nhã nhặn, thân thiện:

– “ Xin … vui lòng giúp đỡ…”

– Bạn có thể giúp tôi .. được không?

– “ Xin lỗi, có thể cho tôi biết …”

Sau khi được giúp đỡ:

Hãy nói “ cám ơn” hoặc “cảm ơn nhiều” với một nụ cười tươi tắn và thái độ biết ơn.

  1. Đề nghị giúp đỡ người khác và trả lời khi được cám ơn:

Đề nghị giúp đỡ người khác:

– Khi thấy có người xách nặng hoặc đang kéo xe lên dốc hay đang đau đớn, cần sự dìu dắt… ta nên đến đề nghị được giúp đỡ họ. Trước khi thực hiện cần vui vẽ nói:

“ Tôi có thể giúp … một tay được không ?”  ,“ Tôi làm gì để có thể giúp …?”

Trả lời khi được cảm ơn:

Khi được người khác bày tỏ sự cảm ơn nên đáp lại bằng thái độ vui vẻ, cởi mở cùng câu nói: “Không có gì”; nếu đối tượng trên hàng hãy thêm từ “ạ” ở cuối lời nói hoặc từ”dạ” ở trước câu nói.

– Khi có chuông báo, hãy nhấc ống nghe và bắt đầu bằng hai tiếng “A lô!” sau đó giới thiệu tên mình hoặc nhà mình và nhã nhặn hỏi người gọi cần trao đổi có việc gì? Nếu người gọi cần gặp một thành viên trong gia đình, hãy lịch sự bảo: “Xin … vui lòng chờ máy” và đi gọi người thân. Tránh nói cộc lốc “chờ máy” hoặc không trả lời mà gọi ngay người được gọi.

– Trường hợp ngưòi thân đi vắng, hãy thông báo với lời lễ phép, lịch sự, tránh những câu: “Không có nhà”, “đi rồi” và cắt máy.

IIINhững qui ước chung về các hành vi ứng xử trong quan hệ giữa các thành viên trong nhà trường.

  1. Ban Giám Hiệu:

Trong trường học, BGH là bộ phận lãnh đạo, điều hành các hoạt động và có ý nghĩa quyết định sự phát triển bền vững của một ngôi trường. Ngoài những chức năng, quyền hạn được Nhà nước qui định, trong quá trình quản lí, việc xây dựng mối quan hệ thân thiện với giáo viên, nhân viên và học sinh không thể xem nhẹ.

Để tạo được môi trường đó, BGH cần có những hành vi ứng xử phù hợp với các đối tượng trong quan hệ công tác.

  1. Quan hệ giữa Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng:

– Sự đoàn kết nhất trí trong BGH là cơ sở để tạo sự thống nhất, gắn bó giữa các thành viên trong nhà trường. Muốn thế, trong công tác cần có sự phân công rõ ràng, xác định chức năng, quyền hạn trong phần hành, không bao biện hoặc giẫm đạp công việc của nhau.

– Luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến xây dựng của nhau, nhất là Hiệu trưởng, không nên dựa vào quyền lãnh đạo để rồi bỏ qua lời góp ý hợp lí của phụ tá.

– Biết chia sẽ những khó khăn trong công việc và sẵn sàng đỡ đần nhau lúc cần, tránh đùn đẩy công việc.

– Trong vai trò lãnh đạo, Hiệu trưởng luôn động viên, hướng dẫn và phát huy sự sáng tạo của Phó Hiệu trưởng. Hiệu phó phải biết lắng nghe, nghiêm túc thực hiện công việc được giao và thẳng thắn trao đổi những gì chưa rõ.

  1. Quan hệ giữa BGH và Giáo viên, Nhân viên:

– Hòa đồng, thân ái với thuộc cấp, cùng san sẻ những khó khăn trong công việc cũng như chung vui trước thành quả đạt được.

– Khách quan, công bằng, tôn trọng quyền dân chủ của GV, NV. Khi bố trí công việc nên căn cứ vào năng lực, ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên, tránh vì tình cảm cá nhân mà có sự nặng nhẹ trong phân công. Luôn lắng nghe và thực hiện những ý kiến xây dựng, có như thế GV, NV mới nhiệt tình góp ý. Sự độc đoán, coi thường đồng nghiệp khiến mọi người sẽ im lặng. Và đây là cơn sóng ngầm đe dọa sự đoàn kết của Trường.

– Khi có hiện tượng mâu thuẫn giữa GV, NV với BGH, hãy rà soát lại những hành vi của mình, tìm hiểu nguyên nhân ở đối tác, từ đó hoặc gián tiếp thông qua đoàn thể hoặc trực tiếp đối chất để giải tỏa. Luôn khách quan, đảm bảo tình lý của sự việc để xóa bỏ hiểu lầm, gắn kết mối quan hệ giữa lãnh đạo với thuộc cấp.

-Nghiêm minh trước biểu hiện sai trái trong công tác. Trong tập thể, bên cạnh những cá nhân tích cực vẫn còn tồn tại một thiểu số tiêu cực.  Khi có hiện tượng tiêu cực, BGH cần kịp thời cảnh báo, góp ý, phê bình để cá nhân vi phạm thức tỉnh và đảm bảo kỷ cương, công bằng trong nhà trường.

  1. Quan hệ với các cấp lãnh đạo trong chính quyền, ngành và các cơ quan, đoàn thể:

– Chấp hành nghiêm túc và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chỉ thị của cấp trên, tạo niềm tin về đơn vị của mình ở các cấp lãnh đạo.

– Khi giao tiếp luôn niềm nở, ân cần, lắng nghe những ý kiến chỉ đạo và kịp thời thực hiện.

  1. Quan hệ với học sinh:

– Chan hòa, vui vẻ với HS, không nên quá nghiêm khắc nhằm đánh tan sự sợ hãi trong các em. Biết lắng nghe tâm tư của chúng để điều chỉnh hoạt động quản lí của mình.

-Nghiêm minh với những HS vi phạm điều lệ nhà trường để làm gương răn đe cho tập thể. Không vì bất cứ lí do nào mà nương tay làm ảnh hưởng kỷ cương của nhà trường.

  1. Giáo viên – Nhân viên:

Đây là bộ phận trực tiếp thực hiện các chủ trương, kế hoạch của Ngành, nhà trường. Trong công tác GV- NV luôn tiếp cận với các thành viên trong trường, bởi vậy đây là lực lượng nòng cốt có ý nghĩa rất lớn trong việc xây dựng môi trường Giáo dục thân thiện.

  1. Quan hệ giữa GV – NV với BGH:

– Luôn thể hiện sự tôn trọng trong giao tiếp nhưng cũng cần tránh những cử chỉ, lời nói mang tính xun xoe, bợ đỡ làm mất đi giá trị về phẩm hạnh của người công chức.

-Thực hiện quyền dân chủ có tổ chức, có hệ thống, không phát ngôn không đúng nơi, đúng lúc gây hoang mang trong tập thể.

-Đảm bảo các nguyên tác hành chính trong khi giải quyết công việc, không vì mối thân tình với lãnh đạo mà tùy tiện, bỏ qua các qui định chung.

– Trung thực, thẳng thắng góp ý cho BGH khi có những hiện tượng làm ảnh hưởng xấu đến công việc, uy tín của tập thể.

– Không tự ái khi được góp ý, hãy xem đó là lời nhắc nhở để điều chỉnh, hoàn thiện bản thân. Tránh bằng mặt mà không bằng lòng để rồi tạo bè phái ngấm ngầm tìm cơ hội hạ uy tín BGH.

  1. Quan hệ giữa GV- NV với nhau:

– Giữ gìn tình cảm trong sáng, quí mến nhau thực lòng, hãy để cái tôi hòa trong cái ta vì mục đích chung. Tránh lôi kéo bè phái thực hiện các hành vi gây mâu thuẫn.

– Không phân biệt đối xử, sẵn sàng tạo điều kiện cho nhau để hoàn thành công việc. Biết lắng nghe, khiêm tốn học hỏi để cùng tiến bộ

– Trung thực, khách quan trong đánh giá thi đua. Cần căn cứ vào hiệu quả công tác, ý thức trách nhiệm để nhìn nhận mức độ công hiến của từng cá nhân. Tránh nể nang, cảm tính làm mất tính công bằng.

– Luôn ứng xử có văn hóa, sẵn sàng tha thứ cho nhau để củng cố tình thân. Có ý thức bảo vệ danh dự, uy tín của đồng nghiệp và luôn tôn trọng quyền riêng tư.

  1. Quan hệ với học sinh:

– Trong giảng dạy luôn vui vẻ, tạo không khí học tập thoải mái để HS mạnh dạn phát biểu ý kiến xây dựng bài học. Tránh sự nghiêm túc quá đáng khiến lớp học căng thẳng, mọi hoạt động trở nên máy móc, xơ cứng.

-Động viên, khen thưởng khi HS có chuyển biến tốt. Đó là cách tiếp sức để tăng sự tự tin cho HS. Nhẹ nhàng giải thích, khuyên bảo khi các em có biểu hiện sai trái. Tránh những lời nói nặng nề, miả mai, châm biếm hoặc hành vi thô bạo khiến các em tự ti mặc cảm, sa sút trong học tập.

– Luôn khách quan công bằng trong đánh giá. Quan tâm đến HS yếu kém, HS có hoàn cảnh khó khăn. Hãy tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, cùng với tập thể lớp xây dựng tình tương thân tương trợ giúp đỡ nhau vượt qua trở ngại.

– Tránh những hành vi mang tính trù dập, kì thị.

  1. Quan hệ với phụ huynh:

Trong mối quan hệ này, giáo viên cần:

– Hãy là người bạn đồng hành cùng phụ huynh hướng đến mục tiêu chung. Lắng nghe những tâm sự, nguyện vọng khi bàn về giáo dục con em. Nếu cần có thể đề xuất những biện pháp giáo dục để phụ huynh ứng dụng trong dạy dỗ con cái, tránh được việc “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”.

– Thiết lập đường dây thông tin thông qua các phương tiện hiện có để kịp thời thông báo cho nhau những biểu hiện đáng lưu ý trong HS

– Ngoài sự gặp gỡ qua các cuộc họp phụ huynh được tổ chức định kỳ, GV nên chủ động thăm viếng gia đình phụ huynh HS. Việc làm này không chỉ thắt chặt mối quan hệ thân tình mà còn gián tiếp cho HS thấy sự phối hợp giữa thầy cô và bố mẹ các em.

– Đối với những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn, hoặc con em cá biệt, cần tế nhị trong giao tiếp.

– Tránh chê bai quá mức HS trước phụ huynh khiến họ nản lòng không muốn cho con em đến trường.

Trên đây là một vài quy ước tính khái quát làm khung cho việc xây dựng môi trường giáo dục thêm thân thiện. Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, tình huống sẽ có những cảnh ứng xử linh động nhưng chung qui vẫn là xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên trong trường. Tuy vậy, yếu tố quyết định cũng vẫn là ý thức của mỗi thành viên. Nếu mỗi cá nhân trong nhà trường nhận thức rõ trách nhiệm, biết hòa mình vào cái chung cùng nhau chung vai gánh vác thì sẽ tạo nên môi trường lao động, học tập thoải mái, khiến mọi hoạt động trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu, thoát ra khỏi sự gò bó của những ràng buộc của các nguyên tắc, qui định.

Hiệu Trưởng

Nguyễn Tấn Dũng